Hotline: 0207.3876.666 (Tư vấn, giải đáp)
  • :
  • :
VÌ MỘT MÔI TRƯỜNG KHÁM CHỮA BỆNH TRONG SẠCH - NƠI NGƯỜI BỆNH ĐƯỢC CẢM THÔNG VÀ CHIA SẺ - BỆNH VIỆN LÀ NHÀ, THẦY THUỐC VÀ BỆNH NHÂN LÀ NHỮNG NGƯỜI THÂN TRONG GIA ĐÌNH!
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tuyên truyền về bệnh bạch hầu và biện pháp phòng ngừa

1. Khái niệm về bệnh Bạch hầu 

Bệnh Bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính làm xuất hiện giả mạc dày dai, trắng ngà, bám chặt và lan nhanh bao phủ toàn bộ vòm họng, mũi, tuyến hạnh nhân, thanh quản. Bệnh còn có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác (kết mạc mắt, bộ phận sinh dục,…).

Vi khuẩn bạch hầu rất dễ lây lan. Chúng lây theo đường hô hấp khi nói chuyện, hắt hơi, ho… giọt bắn có chứa vi khuẩn hòa vào không khí, người khỏe mạnh hít phải, nếu cơ thể chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu sẽ mắc bệnh.

Tác nhân gây nên bệnh bạch hầu là vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae

2. Triệu chứng bệnh bạch hầu

Người bệnh thường xuất hiện các triệu chứng bệnh bạch hầu điển hình như sốt nhẹ, ho, khàn tiếng, đau họng dẫn đến chán ăn, mệt mỏi, da hơi xanh, sổ mũi, nổi hạch dưới hàm gây sưng to vùng cổ,...

Sau khoảng 2 đến 3 ngày, xuất hiện giả mạc có màu xám hoặc trắng, dai, dính, bám chặt vào mặt sau hoặc lan rộng hai bên thành họng không tan được trong nước, bóc tách dễ chảy máu và mọc lại nhanh. Bên trong giả mạc chứa fibrin, đại thực bào, tế bào biểu mô hoại tử và vi khuẩn gây bệnh.

Vi khuẩn bạch hầu trú ngụ ở các giả mạc tiết ra ngoại độc tố khiến người bệnh bị suy hô hấp và tuần hoàn, liệt màn khẩu cái làm giọng nói bị thay đổi, sặc và khó nuốt khi ăn uống, lú lẫn; trường hợp nặng người bệnh rơi vào hôn mê và tử vong. Một số trường hợp gây biến chứng nhiễm độc toàn thân (tim, thận, thần kinh), nguy cơ tử vong cao do tắc đường thở và viêm cơ tim.

3. Biện pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu

- Tiêm vắc xin bạch hầu: biện pháp phòng ngừa hiệu quả dịch bạch hầu. Việc chủng ngừa không chỉ bảo vệ cho cá nhân mà còn tạo ra miễn dịch cộng đồng để ngăn ngừa nguy cơ bùng phát dịch. 

Cho trẻ em tiêm vắc xin phòng bệnh bạch hầu theo chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) lúc trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi. Đồng thời thực hiện các mũi tiêm nhắc lúc trẻ 16-18 tháng tuổi; 4-7 tuổi; 9-15 tuổi vì lúc này khả năng bảo vệ của vắc xin bạch hầu suy giảm theo thời gian, việc tiêm mũi nhắc là rất cần thiết. Theo đó, những đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu như phụ nữ trước hoặc đang mang thai, người già trên 50 tuổi; người mắc bệnh mạn tính… cũng cần tiêm đầy đủ các mũi vắc xin phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này.

Vắc xin phòng bạch hầu hiện có trong tất cả các vắc xin phối hợp như vắc xin phối hợp 3 trong 1; vắc xin phối hợp 4 trong 1; vắc xin phối hợp 5 trong 1; vắc xin phối hợp 6 trong 1. Trong đó, vắc xin 5 trong 1 và 6 trong 1 được chỉ định tiêm chủng cho trẻ từ 6 tuần tuổi đến 2 tuổi. Vắc xin 4 trong 1 được chỉ định tiêm chủng cho trẻ từ 2 tháng đến dưới 7 tuổi. Vắc xin 3 trong 1 được chỉ định tiêm chủng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên và người lớn. Và vắc xin phòng ngừa bạch hầu, uốn ván có thể tiêm cho trẻ từ 7 tuổi đến người lớn.

- Bên cạnh đó, mọi người cũng cần chú ý:

+ Giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh họng bằng việc súc nước muối sinh lý hàng ngày, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; che miệng khi hắt hơi hoặc ho; hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh

+ Đảm bảo không gian nhà ở, các nơi công cộng sạch sẽ, thông thoáng và có đủ ánh sáng.

+ Cách ly ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ bệnh bạch hầu và nhanh chóng đến cơ sở y tế để được kiểm tra, điều trị tích cực.

+ Người dân sống trong vùng có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc khám chữa bệnh cũng như các chỉ định phòng bệnh của cơ sở y tế.

+ Tránh tiếp xúc với người đang nghi ngờ mắc bệnh hoặc người bệnh bị bạch hầu. 

 

 

 

 


Tác giả: Hồng Giang
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Liên kết website

Các thông tin trên website chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu, khuyến nghị Quý khách hàng không tự ý áp dụng. Bệnh viện không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.

Giấy phép thiết lập số: 03/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tuyên Quang cấp ngày 28/12/2014