Những đôi tay neo giữ niềm tin
Bút ký của Lê Thu
Vào đầu những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi, lúc ấy tôi chỉ hơn mười tuổi. Không hiểu sao đợt rét mùa đông năm ấy, lũ ký sinh trùng lại được mùa sinh sản, tôi và mấy đứa trẻ cùng học, hay chơi đùa, nghịch ngợm với nhau đều bị ghẻ lở khắp người. Ngứa ngáy, khó chịu và ốm sốt. Đúng dịp ấy cha tôi về nghỉ phép, thấy vậy cha đưa tôi vào viện suối khoáng chữa. Đó là nơi chỉ cách thị xã Tuyên Quang chừng mười lăm cây số, trên đường sang thuỷ điện Thác Bà, nhưng cũng phải hơn một tiếng đồng hồ mới đến, vì đường nhiều ổ gà, khấp khểnh.
Vào phòng khám, sau khi xem những chỗ đau trên cơ thể, bác sĩ xoa đầu tôi cười: “bệnh lười thôi, tắm nước khoáng là khỏi”. Rồi vị bác sĩ ấy chỉ đường cho hai cha con tôi xuống giếng nước gần bệnh viện để tắm. Lúc ấy, trời cũng đã cuối chiều. Giếng nước khoáng, nhỏ hơn cái giếng làng dưới miền xuôi, nhưng có nhiều người đang mải mê tắm giặt và cả mấy đứa trẻ nhỏ đang té nước chơi đùa. Lạ nhất là thấy mấy anh thanh niên cho những quả trứng vào giỏ, thả xuống giếng nước nóng, rồi kéo lên bóc ăn ngon lành. Lúc ấy tôi vô cùng thèm muốn và ao ước giá như mình được cắn một miếng. Cha bảo tôi “Tắm ở đây” và đưa tôi đến cạnh bờ giếng. Thích thú khi lần đầu nhìn thấy giếng nước nóng, nó như một cái chảo to chứa đầy nước sắp sôi, đang bốc hơi nghi ngút. Lại gần, tò mò dùng hai tay quạt vào đám hơi nước nóng hổi và nhìn vào trong lòng giếng. Nước trong veo, đáy nông choèn, chỉ ngập đến bụng tôi là cùng. Những bọt khí lăn tăn từ dưới đáy nổi lên, mùi hơi nóng toả ra, như ai đó vừa làm vỡ quả trứng gà ấp hỏng vào giếng nước. Bỗng, hình ảnh về dãy núi lửa đang bốc khói và đầm lầy bùn đất đang sôi lục pục, bốc lên trời những đám hơi quánh đặc, trong bộ phim “Lục địa Sannikov” của Liên Xô chợt hiện lên trước mặt. Chỉ một lát, tôi bị ngộp thở trong đám hơi nước trắng đục như sương khói. Xung quanh, bỗng trở nên nghiêng ngả, mờ nhoà.
Cha tôi múc một chậu nước nóng hổi và bảo tôi ngồi đợi để cho nước nguội dần. “Pha nước suối vào” - tôi nài cha, nhưng ông bảo: “Nước khoáng đặc mới khỏi”. Trời rét buốt, những đám gai ốc đua nhau mọc lên từng mảng. Khi tôi vừa thả người xuống chiếc chậu to chứa đầy nước, lập tức có hàng triệu mũi kim nhọn hoắt cùng lúc châm vào từng chiếc gai vừa được dịp nổi lên. Tôi hét lên vì sợ hãi và nhảy ra khỏi chậu nước nóng rồi bật khóc nức nở. Cái cảm giác mình như sắp bị luộc chín, giống như những quả trứng trong giỏ của mấy anh thanh niên. Cha tôi chợt lúng túng. Thấy vậy, một bác mặc áo blouse trắng vẻ hiền từ lại gần tôi dỗ dành “Một tí là quen thôi”, rồi bác nắm hai tay và nhìn tôi khích lệ. Phút sợ hãi lắng dần. Bác chỉ vào những nốt đau trên người tôi rồi hỏi “Cháu bị lâu chưa”, cha tôi vội đáp “Khoảng nửa tháng rồi”. Bác nói “để tôi giúp” rồi chỉ cho tôi ngồi xuống chiếc ghế nhỏ. Đưa tôi ca nước - mà tôi đoán bác chưa kịp uống - và bảo “Uống đi cháu, chậm thôi”. Tôi đón ca nước nóng và uống từng ngụm nhỏ “ngọt hơn nước ở nhà”, cảm giác ngon lành ấy đã xua tan nỗi rét buốt ở ngoài trời. Bác từ từ dội từng gáo nước nóng ấm lên người, lên đầu tôi rồi nhẹ nhàng kỳ cọ, tránh những vết đau trên cơ thể. Biết tôi còn sợ hãi, bác nắm hai tay và dìu tôi nằm xuống chậu nước đầy. Dù vẫn nóng, nhưng nỗi sợ hãi ban đầu đã ngoan ngoãn nằm yên trong đôi tay như có phép màu của bác. Thật lạ kỳ. Chỉ một lát, hàng triệu những mũi kim như chứa thuốc gây tê, chúng xuyên qua lớp da, chui vào mọi ngóc ngách trong người. Cái nóng râm ran từ bên ngoài cứ đầy dần bên trong cơ thể. Khi nhiệt độ giữa nước với người đã được cân bằng, chỉ còn lại cảm giác lâng lâng, đê mê và sảng khoái. Nó giống như trò chơi mạo hiểm mà ta phải vượt qua bao chướng ngại, căng thẳng, mệt mỏi và sung sướng khi về đến đích.
Lúc chuẩn bị đi về, thấy bác từ trên bệnh viện xuống và đưa cho cha tôi một tuýp thuốc mỡ rồi bảo “bôi một tuần là khỏi”. Tôi khoanh tay lí nhí cảm ơn bác. Sau này, hỏi lại cha mình tôi mới biết, người bác sĩ tốt bụng đó là Nguyễn Ngọc Bịnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Điều dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm, hôm ấy bác xuống thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị nước khoáng ở bệnh viện. Hơn một tuần, chiều nào tôi cũng được thoả thích tắm. Những mụn lở cũng nhanh chóng liền da, lũ chấy rận cũng bị chết chìm trong chậu nước nóng. Tôi không còn ngứa ngáy, khó chịu. Mỗi khi nghĩ đến cảm giác diệu kỳ ấy, trong tôi lại đầy lên niềm biết ơn đối với người bác sĩ.
Bẵng đi vài chục năm, lần này tôi lại có dịp đưa người thân vào bệnh viện ở trong suối khoáng để chữa bệnh. Cảnh cũ đã không còn. Bệnh viện xưa, nay đang hoá thân thành khu du lịch to lớn, sang trọng và đẹp đẽ, như một nhà văn đến đây đã ví von “Mỹ Lâm, người đẹp ngủ trong rừng” giờ đang tỉnh giấc. Thật tình cờ khi biết bác sĩ Nguyễn Quế Lâm, Giám đốc Bệnh viện lại học phổ thông cùng trường với tôi. “Đây chỉ là bệnh viện tạm trong khi chờ hoàn thiện bệnh viện mới” - anh nói và hướng dẫn tôi làm thủ tục vào viện. Lặng lẽ đưa người thân đi nộp giấy tờ nhập viện, nhìn những chiếc blouse trắng, bóng dáng những ký ức thủa xưa trong tôi lại được dịp ùa về. Nếu không có chiếc thẻ trên ngực của bác sĩ Vũ Thế Cường, tôi cứ ngỡ đó là người bác sĩ năm xưa đã khám bệnh cho tôi. Vẫn là những câu nói ân cần ấy, vẫn là những đôi tay nhẹ nhàng, cẩn thận xưa kia, như đôi tay kỳ diệu của vị thần áo trắng đang xoa dịu những vết đau trên thân thể người bệnh. Như đôi tay của bác Nguyễn Ngọc Bịnh năm xưa, đã đỡ tôi vào chậu nước nóng.
Bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Quế Lâm, Giám đốc Bệnh viện suối khoáng Mỹ Lâm
Bác sĩ Lâm tiếp tôi trong căn phòng nhỏ của bệnh viện “dã chiến”. Khi được hỏi về những người bác sĩ ngày xưa, giọng Lâm bỗng trở nên xa xăm: “Các bậc cô bác trước đây cũng mất nhiều rồi”. Có cơn gió thật buồn ùa vào trong kí ức của tôi. Mà cũng phải, đã bốn mươi năm rồi còn gì. Biết tôi muốn xem lại những tư liệu cũ và câu hỏi vẫn đeo đẳng từ xưa “Sao nước khoáng lại chữa được bệnh” bác sĩ Lâm cười hiền và đưa tôi một tập sách. Tôi vội giở trang đầu và đọc thật nhanh“Nguồn nước khoáng thiên nhiên Mỹ Lâm được nhà địa chất người Pháp C.Madrolle phát hiện năm 1923. Năm 1928 F.Blondel đã mô tả sơ bộ nguồn nước dưới tên gọi Nhân Giả (tên địa phươnglúc đó). Năm 1941 M.Antret đã lấy mẫu nước phân tích lần đầu”.
“Vừa tròn một thế kỷ”- tôi ngỡ ngàng nhìn bác sĩ Lâm. Thật không ngờ, Bệnh viện này lại có một nguồn gốc lâu đời đến thế.
Tôi đọc tiếp:“Nguyên lí chữa bệnh của nước khoáng là, tác động lên cơ thể để huy động các cơ chế bù trừ và thích nghi, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tự điều hoà hồi phục lại các chức năng do bệnh tật và tuổi già làm rối loạn. Nước khoáng có tác dụng chống viêm, tăng tái tạo tế bào da, cơ, xương, thần kinh, phục hồi chức năng, các bệnh nội khoa, ngoại khoa, các bệnh xương khớp, đau thần kinh toạ, các bệnh tai mũi họng như: viêm mũi dị ứng, viêm họng… các bệnh về tiêu hoá như: viêm đại tràng, táo bón… và các bệnh về da như: chàm, vẩy nến, ghẻ, nấm…”. Ra vậy - tôi lẩm bẩm nói một mình và thốt lên vì ngạc nhiên “Chao ôi, thiên nhiên kỳ diệu quá”. Bác sĩ Lâm cũng chia sẻ cho tôi hiểu thêm về vùng đất có nguồn nước khoáng nóng thiên nhiên quý giá. Được sự giúp đỡ của Bệnh viện Bạch Mai, ngành y tế địa phương đã xây dựng cơ sở điều dưỡng ở đây từ rất sớm để chăm lo, chữa bệnh cho Nhân dân. Và cả niềm vui sướng của những người y, bác sĩ ở đây khi sắp có bệnh viện mới để chữa trị cho mọi người.
Rồi Lâm đưa thêm cho tôi tập album dày, chứa đầy những tấm ảnh đen trắng đã ố màu và những trang lưu bút nay đã được ép platic. Tôi bắt gặp những lời động viên, khích lệ, nhưng cũng là mệnh lệnh của Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn, người lãnh đạo cao nhất của ngành y tế đã giao cho những người chiến sĩ áo trắng ở đây:“Đối chiếu với lần thứ nhất mà tôi tới đây vào ngày 13.1.1976, sau hơn hai năm rưỡi, Viện Điều dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm đã có nhiều thay đổi (…) Tôi hoan nghênh những tiến bộ và cố gắng của các đồng chí cán bộ và nhân viên của Viện. Tín nhiệm của bệnh nhân là phần thưởng cao nhất của các đồng chí…”. Dù đã gần nửa thế kỷ qua đi, nhưng mệnh lệnh ấy vẫn còn nguyên vẹn.
Ngạc nhiên và tự hào khi thấy những nét chữ mực xanh hiện lên những lời yêu mến và những lời chúc chân thành nặng tình quê hương của anh Hà Quang Dự - người con ưu tú của miền đất Tuyên Quang - Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, cùng Đoàn Đại biểu đã đến thăm Viện Điều dưỡng ngày 13 tháng 4 năm 1981: “Chúc Viện các đồng chí luôn đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Chúc Viện Điều dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm tiếp tục phát triển to lớn hơn nữa. Chúc tuổi trẻ trong Viện luôn hăng hái xung kính trong nhiệm vụ chuyên môn và các hoạt động khác của Viện. Chúc các đồng chí khoẻ!”. Những tình cảm yêu quý ấy, đã tiếp thêm sức mạnh thần kỳ cho những thế hệ thanh niên của Bệnh viện suối khoáng Mỹ Lâm, đã và đang vượt qua bao thử thách.
Lật giở sang trang sau, những dòng chữ như vẫn còn nguyên nhịp thở của bác Nguyễn Lục Hà (bút danh Nguyễn Hồng Châu), người vợ miền Nam của cố thi sĩ Nguyễn Bính, tưởng chừng như còn đang thổn thức quanh đây“Mỹ Lâm ngày 27.11.1986. Từ tỉnh Cửu Long xa xôi, nơi đồng bằng của Tổ quốc (…). Vượt một dãy dài Trường Sơn, để đến tỉnh kết nghĩa của quê nhà, tôi được ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ (…) lòng tôi xiết bao cảm mến (…). Tỉnh uỷ đối với tôi thật chân tình, Ban giám đốc và các cán bộ công nhân viên ở đây chăm sóc tôi thật chu đáo. Đặc biệt là có đồng chí Nguyễn Duy Cương, Thứ trưởng Bộ y tế (…) đến thăm (…). Tôi có nhiều chứng bệnh do trải qua bao nhiêu năm bị tù đày thời Pháp thuộc vất vả ở chiến trường miền Nam (...) Đến điều dưỡng ở V.Đ.D Mỹ Lâm (…) dòng suối khoáng này đã giúp tôi ăn cơm rất ngon , dễ tiêu hoá, nấm ở vành da có khỏi, khớp xương có đỡ nhức mỏi (…). Được biết bác sĩ Lưu Tê là một nhà trí thức, một người từng say mê nghiên cứu về nước khoáng, từng đi: Liên Xô, Tiệp Khắc, CHDC Đức để nghiên cứu về suối khoáng. Tôi tin tưởng rằng một ngày nào đó, xã Mỹ Lâm có dòng suối trên sẽ biến thành một thắng cảnh du lịch (…) phục vụ cho nhân dân Việt Nam”. Nay, người chiến sĩ của miền đất Cửu Long xa xôi cũng đã về trời, theo chân người thi sĩ tài hoa đất Bắc, song tình cảm của bà dành cho những người thầy thuốc đã thấm vào lòng đất, tình người của suối khoáng Mỹ Lâm.
Nhưng bất ngờ và đặc biệt nhất, là khi tôi nhìn thấy tấm ảnh của người anh hùng Việt Nam đã đi vào huyền thoại. Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thật vinh dự khi mảnh đất này đã được đón tiếp vị tướng lĩnh tài ba, lỗi lạc đến thăm ngày 15 tháng 12 năm 1983. Những lời dặn ân cần của Đại tướng như vẫn còn văng vẳng bên tai những người thầy thuốc: “Chúc toàn thể các đồng chí bác sỹ, y sỹ, y tá và công nhân, nhân viên Viện Điều dưỡng Suối khoáng Mỹ Lâm, nêu cao tinh thần làm chủ, hết lòng phục vụ sức khoẻ của cán bộ và đồng bào các dân tộc. Tiếp tục xác định thành phần của nước suối để thấy cho hết tính năng và tác dụng đối với sức khoẻ của con người. Thân ái!”. Và còn rất nhiều bức thư của những người bệnh đã từng điều trị ở đây vẫn đang được các anh gìn giữ, như món quà nóng hổi từ lòng đất sâu thẳm của vùng đất Mỹ Lâm. Không biết đã có bao nhiêu người bệnh, bao nhiêu mảnh đời, bao nhiêu số phận đã đến đây, đã được cứu chữa. Và đã có biết bao niềm vui, niềm hạnh phúc mà không có cuốn sổ nào, bác sĩ nào ở đây có thể ghi nhớ lại được.
Bác sĩ Nguyễn Quế Lâm đưa cho tôi chiếc áo blouse trắng và dẫn tôi đi thăm người bệnh. Nhìn bác sĩ Lâm thăm khám cho một bệnh nhân nam còn trẻ, nhưng lớp da trên thân người cậu ta nổi lên những mảng đỏ, bong ra những vảy trắng. Bác sĩ Lâm chỉ tay vào mảng đỏ và nói: “Đây là bệnh vẩy nến, phải điều trị lâu dài”. Tôi nhẹ hỏi: “Đau lắm không”, cậu cười, dù vẫn còn nhăn nhó: “Đỡ rồi bác sĩ ạ”. Lâm động viên “Đúng phác đồ điều trị, chỉ một tuần là ổn”. Tôi thấy trong đôi mắt của cậu ta ánh lên niềm tin cậy.
Qua lời bác sĩ Lâm tôi biết, bệnh vảy nến còn có những vấn đề chưa nghiên cứu ra, hiện nay chưa có phương pháp nào điều trị khỏi được hoàn toàn. Việc chữa trị bằng các liệu pháp ngâm, tắm nước khoáng và dùng thuốc chỉ nhằm nâng cao chất lượng sống cho người bệnh mà thôi.
Tại các phòng của bệnh nhân nữ, chủ yếu là các cô, các bà đã cao tuổi. Trong lúc hai bác sĩ Nguyễn Quế Lâm và Vũ Thế Cường đang kiểm tra công tác điều trị, tôi tranh thủ hỏi chuyện một bệnh nhân thì biết, cô là Đỗ Thị T. trú tại thị trấn Sơn Dương của tỉnh Tuyên Quang, bị tai biến mạch máu não, tiểu đường, liệt nửa người đã tám năm nay. Trước khi đến đây, gia đình đã đưa cô đi chạy vạy khắp nơi. Người bảo xuống tận dưới miền xuôi, kẻ mách lên tận trên miền ngược gia đình cũng cố lặn lội đưa cô đến nơi. Thương vợ, chồng cô còn tìm đến ông thầy mo xin tí nước thánh, nhờ cậy bà lang già lên tận núi cao để tìm cây thuốc quý mang về vừa đắp, vừa uống… nhưng mãi vẫn không thuyên giảm. “Chán, chả thiết đời nữa”- cô thở dài. Nhưng thật may, trên một chuyến xe khách từ bệnh viện dưới xuôi về nhà, có người mách đến Bệnh viện suối khoáng chữa được. Gia đình nửa tin, nửa ngờ nhưng vẫn đưa cô vào đây khám bệnh, được các bác sĩ chẩn đoán và được chỉ định vào nằm viện. Hàng ngày, cô được kỹ thuật viên phục hồi chức năng Phương Thị Hải Hà chăm sóc và điều trị. Tôi nhìn vào hồ sơ bệnh án treo ở đầu giường bệnh“Ngày 07/3/2023 nhập viện. Diễn biến bệnh: cơ thể mệt mỏi, 1/2 người phải cứng, chi dưới tê bì, chóng mặt, đau đầu không nuốt nghẹn, uống nước không rơi…”. Tôi thầm nghĩ đây là ca bệnh thật nan giải và nói vài lời để động viên cô T. nhưng cô tươi cười bảo “khoẻ rồi”. Vừa lúc ấy, một chị mặc áo blouse trắng đến bên giường, chị sờ nắn chân tay và bảo cô T. co duỗi theo động tác hướng dẫn. Nhìn vào thẻ tên thấy đúng là chị kỹ thuật viên mà cô T. vừa kể. “Như có phép thần” cô T. cầm bàn tay chị Hà rung nhẹ. Tôi thấy, trong đôi mắt ấy ánh lên vẻ trìu mến, thân thương. Chị nói giọng nhẹ nhàng “ổn rồi, mai bác ra viện nhé” và cài tờ giấy vào bệnh án của cô. Tôi tò mò đọc “Ngày 27/3/2023. Diễn biến bệnh: 1/2 người phải giảm vận động, không có liệt, cơ lực giảm, phản xạ tăng, tay chân bên phải tê bì giảm, buồn bực khó chịu giảm. Người bệnh vận động được”. “Về mổ voi ăn mừng thôi” - tôi đùa cô T. “Giời có mắt đấy cháu ạ” - cô nhìn tôi với nụ cười vui sướng, rồi chống tay từ từ ngồi dậy.
Bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Vũ Thế Cường, Bệnh viện suối khoáng Mỹ Lâm đang thăm khám cho bệnh nhân
Trò chuyện với bác sĩ Vũ Thế Cường tôi mới biết, sau khi ra trường, anh được phân công về Bệnh viện công tác và gắn bó luôn với mảnh đất này từ năm 1985. “Lúc ấy, vùng này heo hút lắm” - Anh nói. Vẻ xa xăm hiện lên trong đôi mắt của anh. Gần bốn mươi năm qua, anh cũng không nhớ mình đã chữa trị cho bao nhiêu người bệnh, đến từ mọi miền quê Trung – Nam – Bắc.
Nếu mỗi ngày trôi qua là một chiếc hộp có hai ngăn vui - buồn, chắc hẳn không ai biết được, hai ngăn ấy của những người thầy thuốc, bên nào sẽ đầy hơn. Và hôm nay, vô tình tôi đã mở chiếc hộp chứa đầy ký ức của anh Cường, đã được xếp gọn lại trên quãng đường dài, của gần hai mươi năm về trước. Chuyện là, giữa mùa đông năm 2004, lúc ấy trời cũng đã gần trưa, anh đang chuẩn bị về nghỉ, bỗng từ bên ngoài cổng viện, một phụ nữ đang cố đẩy chiếc xe lăn lên sân dốc, trong xe có một cháu gái nhỏ. Khi vào đến phòng khám, người phụ nữ vội vã bế bé gái vào phòng. Thoạt đầu, anh tưởng cháu bé bị tai nạn gì đó, nhưng khi vào trong phòng khám thì thấy, không phải ca xử lý gấp gáp. Khi mẹ cháu kéo chiếc chăn mỏng ra, anh thấy cháu bé ngồi co ro trong chiếc xe lăn: gầy, da xanh tái, cả bốn chi đều bị co quắp. Anh đặt cháu lên giường và chẩn đoán tình trạng bệnh đau cứng cơ, biến dạng khớp, vận động khó khăn. Sau khi đã chẩn đoán trẻ bị bệnh viêm khớp dạng thấp, anh xem hồ sơ chuyển viện. Bệnh nhân là Nguyễn Thị Bích V. sinh năm 1990 quê ở thành phố Vinh của tỉnh Nghệ An, bị mắc bệnh từ năm 12 tuổi, vào điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai đã hai năm, nhưng không đỡ. Mẹ cháu bé cho biết, có một bác sĩ điều trị khuyên, nên đưa con lên Bệnh viện suối khoáng Mỹ Lâm để chữa trị, vì ở trên đó có bùn khoáng. “Mấy lần xe mới lên đến đây bác ạ” - mẹ cháu bé lấy chiếc khăn quàng cổ đã cũ sờn lau khuôn mặt và cố giấu đi nỗi buồn tủi của mình. “Cứ yên tâm ở đây” - anh động viên người mẹ trẻ, rồi vội xuống nhà ăn lấy cho cháu phần cơm của mình. Sau khi mẹ cháu cho ăn xong, anh bảo chị kỹ thuật viên tắm luôn cho bệnh nhân mới đến. “Xem bệnh nhân phản ứng tốt không”- anh nói vẻ sốt ruột. Khi cháu tắm xong, thấy bệnh nhân vẫn tỉnh táo và phản xạ bình thường, anh liền kiểm tra cơ, khớp…thấy mềm hơn, các mạch nông dãn ra, da toàn thân ửng hồng. Sau khi hội chẩn, biết bệnh nhân thích ứng tốt với nước khoáng, anh chỉ đạo lập phác đồ điều trị riêng cho bệnh nhân. Bằng các phương pháp ngâm, tắm nước khoáng nóng, kết hợp với các kỹ thuật vật lý trị liệu, phục hồi chức năng… cùng với đơn thuốc điều trị của Bệnh viện Bạch Mai, bệnh tình của cháu đã tiến triển khá lên từng ngày. Hết đợt đầu, các khớp xương đã giảm co kéo, cải thiện tầm vận động và sự cứng khớp. Những năm sau, đến mùa rét cháu vẫn vào Bệnh viện chữa trị. Thật mừng là, cứ sau mỗi đợt, bệnh tình của cháu lại chuyển biến tốt hơn lần trước, các chi dần duỗi thẳng và cháu đã tự đi lại và sinh hoạt bình thường. Từ năm 2015 không thấy cháu ra đây nữa, nghe bộ phận hành chính kể lại, cháu gọi điện ra khoe là đã đi làm. Tôi nhìn thấy nụ cười của anh toả ra niềm vui sướng, như mình vừa chinh phục xong một con đèo dài đằng đẵng, để chạm vào vạch đích.
Chị Phương Thị Hải Hà, Kĩ thuật viên phục hồi chức năng tại Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm
Đã gần sáu mươi năm, kể từ ngày Bệnh viện Bạch Mai xây dựng cơ sở đầu tiên ở đây, đã bao thế hệ bác sĩ của Bệnh viện suối khoáng đã từng hi sinh, cống hiến, như bác sĩ Lưu Tê, Nguyễn Đình Thi, Mông Trí Thức. Thế hệ ấy nay đã không còn. Nhưng nỗi khát khao, niềm hy vọng của những thế hệ thầy thuốc đi trước đã truyền sang cho những người y, bác sĩ ở đây. Hàng ngày, hàng giờ, hàng phút họ vẫn nhẫn nại, kiên trì và bền bỉ gieo những khát vọng sống, neo giữ những cuộc đời, đổi thay bao số phận.
Bác sĩ Lâm dẫn tôi đến xem Bệnh viện mới đang được xây dựng. Nhìn từ xa, bệnh viện trông như khu đô thị của một thành phố trẻ. Trước mặt là những đồi chè thoai thoải, như tấm thảm xanh non trải dài theo tầm mắt. Và, chỉ cách một con đường nhỏ là ngôi chùa Phú Lâm to lớn uy nghi. Không gian chợt bừng lên những tiếng chuông chiều ngân nga, dội vào vách núi. “Rộng rãi quá”- tôi thích thú. “Sang năm về nhà mới rồi” - bác sĩ Lâm cũng không giấu được vẻ vui mừng. Trên tấm pa-nô công trình, hình ảnh Bệnh viện suối khoáng Mỹ Lâm khang trang, hiện đại, rộng hơn bốn héc ta với hai trăm giường bệnh, bừng lên trong không gian thơ mộng. Bất chợt, trong tôi hiện lên một hình dung: “Mỹ Lâm, chàng trai của suối khoáng ân tình”.
Tôi miên man suy nghĩ, chừng nào nước khoáng ở đây vẫn còn nóng hổi, thì chừng đó lòng nhân ái của các thầy thuốc ở nơi này vẫn còn nguyên vẹn như xưa. Như dòng máu nóng vẫn hừng hực chảy, trong huyết quản của mỗi người con trên quê hương, đất nước của tôi.
Thành Tuyên, 15.12.2023