BỆNH VIỆN 50 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN
1. GIAI ĐOẠN 1974-1983 ( VIỆN DO BỘ Y TẾ QUẢN LÍ)
- Ngày 24 tháng 4 năm 1974 Bộ trưởng Bộ Y tế Vũ Văn Cẩn có Quyết định số 161/BYT-QĐ thành lập Viện điều dưỡng Mỹ Lâm trực thuộc Bộ Y tế với qui mô 200 giường bệnh (trước mắt là 30 giường bệnh). Tổng số có 12 cán bộ, trong đó có: 02 Bác sỹ
+ Viện do Quản đốc là Bác sỹ Lưu Tê phụ trách và một Phó Quản đốc giúp việc là ông Hoàng Tấn Triệu.
+ 02 tổ chuyên môn nghiệp vụ:
* Tổ Y vụ - Điều trị: do Bác sỹ Lê Thị Hiền làm Tổ trưởng, Y sỹ Đỗ Thuý Lụa làm tổ phó.
* Tổ Hành chính, tổ chức, quản trị và tài vụ: do Y tá Phạm Bá Luyện làm Tổ trưởng, sau là ông Nguyễn Xuân Nhuận phụ trách.
- Ngày 09 tháng 9 năm 1975, Viện khởi công xây dựng giếng nước nóng, khu nhà tắm.
- Ngày 29 tháng 10 năm 1975 bắt đầu tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị, nghỉ dưỡng. Trong đó có ông Lê Hạnh, Bí thư tỉnh uỷ Hà Tuyên; ông Vù Mí Kẻ, Phó chủ tịch tỉnh Hà Tuyên; ông Bùi Hạnh, Trưởng phòng của Ty Thương nghiệp, ông Phùng Hậu Dành, Phó Ty Thể dục thể thao; ông Thạch, Phó Chủ tịch huyện Hàm Yên…, và một số công nhân của Lâm trường Chè.
- Ngày 13 tháng 01 năm 1976, Bác sỹ Vũ Văn Cẩn Bộ trưởng Bộ Y tế đã lên thăm và làm việc với Viện Điều dưỡng. Đồng chí đã chỉ đạo: "Đây là một loại công tác chuyên môn cần được đi sâu nghiên cứu trong những điều kiện cụ thể và thực tế của ta để đánh giá một cách chính xác những chỉ định, phản chỉ định đến các hình thức chữa và đánh giá kết quả…", chỉ đạo xây dựng "…khu kỹ thuật như giếng nước nóng, bể chứa nước nguội, máy bơm, nhà tắm có đầy đủ tiện nghi và phương tiện theo dõi kết hợp với các hình thức và phương pháp chữa bệnh khác thành một khu hoàn chỉnh"
- Năm 1976, Viện được bổ sung thên biên chế và cơ bản đã đủ 30 giường bệnh, buồng tắm có đồng hồ bấm giờ, nhiệt kế đo nhiệt độ của nước, hệ thống loa phát thanh. Các bệnh được điều trị tại Bệnh viện bao gồm: các bệnh về não, thần kinh, da liễu, xương khớp và một số bệnh nhiễm trùng, rối loạn chức năng khác (Di chứng não, thần kinh, thấp khớp, thần kinh toạ, hen phế quản, viêm gan, viêm đại tràng….). Trong thời gian này, ngoài công tác chăm sóc người bệnh tại Bệnh viện, Bệnh viện còn tổ chức phun thuốc diệt muỗi, vệ sinh môi trường xung quanh Bệnh viện và nơi tập trung dân cư tại địa bàn xã.
- Ngày 20 tháng 4 năm 1977, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Văn Tín dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Y tế lên thăm và làm việc với Viện có ý kiến chỉ đạo: "…Những anh, chị em bệnh nhân mà Đoàn chúng tôi được trực tiếp thăm hỏi về bệnh về sự tiến triển thuận lợi và có kết quả tốt (toàn là bệnh nhân lâu năm, đã điều trị nhiều lần ở các bệnh viện tỉnh và Bệnh viện Trung ương, ở Viện Đông Y Trung ương) làm cho chúng tôi rất vui mừng…Tôi đề nghị Viện nên tập trung một số bệnh như thấp khớp lâu năm, đau thần kinh toạ, viêm họng và mũi xoang…"
Trong thời gian này, Bệnh viện đã tiến hành san ủi mặt bằng sân và xây dựng nhà điều trị (Nhà L - khoa Da liễu), giếng hình bán nguyệt tại khu nhà tắm. Đến tháng 10 năm 1977 thì nghiệm thu, đưa vào sử dụng.
Năm 1978, qui mô Viện đã tăng từ 30 giường lên 50 giường bệnh với tổng số 20 cán bộ, trong đó có 10 đảng viên do đồng chí Hoàng Tấn Triệu làm bí thư chi bộ, Bác sỹ Lưu Tê làm Quản đốc.
- Ngày 25 tháng 8 năm 1978, Bác sỹ Vũ Văn Cẩn Bộ trưởng Bộ Y tế đã lên thăm và làm việc với Viện Điều dưỡng. Đồng chí đã hoan nghênh những cố gắng của Viện trong công tác phục vụ người bệnh, nêu hiệu quả của nước khoáng với một số bệnh nhất là về xương khớp. Và yêu cầu củng cố về cở sở hạ tầng, trang thiết bị nhất là mảng cận lâm sàng để mở rộng qui mô của Viện.
- Ngày 16 tháng 3 năm 1979, Thứ trưởng Bộ Y tế Đặng Hồi Xuân đến thăm Viện và có ý kiến: "Đây là phương pháp chữa bệnh hiện đại, nhiều hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh nước ta, cần được trang bị tốt, mở rộng cùng với việc tổng kết kinh nghiệm."
Qui mô Viện nâng lên 60 giường bệnh, Bộ Y tế điều động một Phó quản đốc là đồng chí dược sỹ Đại học Lê Hữu Khanh.
Trong công tác chuyên môn, Viện đã triển khai một số kỹ thuật mới như Lý liệu pháp, khí dung, kéo nắn…
- Ngày 06 tháng 01 năm 1981, đồng chí Hoàng Quốc Việt đến thăm Viện và có ý kiến: "Nước Suối khoáng Mỹ Lâm đã được sử dụng trong việc nâng sức khoẻ và chữa bệnh cho cán bộ và nhân dân là một cơ sở khoa học hiếm có. Chắc mọi người mong rằng các cơ quan hữu quan nên tìm cơ hội mở một cuộc hội thảo và vạch ra phương hướng một cách cụ thể và khoa học để phát huy một cách đầy đủ tác dựng hữu ích của dòng nước quí này"
- Ngày 25 tháng 11 năm 1981, Nữ tướng Nguyễn Thị Định dẫn đầu đoàn Đại biểu Uỷ ban Y tế -Xã hội của Quốc hội đến kiểm tra công tác y tế, văn hoá xã hội, thương binh liệt sỹ xã Phú Lâm đến thăm và làm việc với Viện đã phát biểu: "Đây là cơ sở chữa bệnh của Trung ương rất tốt, nhất là các bệnh thấp khớp. Với cơ sở bệnh nhân đông, nhân viên ít, phục vụ chu đáo chúng tôi rất hoan nghênh. Là cơ sở chữa bệnh rẻ tiền nên phát triển thêm để phục vụ nhân dân…"
- Ngày 01 tháng 6 năm 1983 Bộ Y tế có Quyết định số 418/BYT-QĐ chuyển Viện điều dưỡng Suối khoáng Mỹ Lâm về tỉnh Hà Tuyên quản lí.(do Thứ trưởng Bộ Y tế, giáo sư Nguyễn Văn Đàn kí) Lúc này qui mô Bệnh viện là 60 giường và 35 cán bộ (có mặt 31 cán bộ) do bác sỹ Lưu Tê làm Viện trưởng, dược sỹ đại học Lê Hữu Khanh(1981-1984), bác sỹ Nguyễn Ngọc Bịnh (1981-1985) làm Phó Viện trưởng.
2. GIAI ĐOẠN 1983 ĐẾN NAY.( DO UBND TỈNH QUẢN LÍ)
a) Giai đoạn 1983 đến 1988.
Do bác sỹ Lưu Tê làm Giám đốc, bác sỹ Nguyễn Hữu Quí (1984-1987), Bác sỹ Nguyễn Đình Thi (1985-1987) làm Phó Giám đốc.
- Ngày 07 tháng 02 năm 1983, sau chín năm thành lập, lần đầu tiên Chi bộ tổ chức lễ kết nạp đảng viên cho hai quần chúng là Bác sỹ Dương Văn Tài và bà Hoàng Thị Tiên.
- Ngày 19 tháng 11 năm 1983, Đoàn công tác của Ban Bảo vệ sức khoẻ Trung ương do Bác sỹ Lê Văn Mỹ - Cục trưởng Cục bảo vệ sức khoẻ Trung ương đến thăm Viện và có nhận xét: "…Chữa bệnh bằng nước khoáng được các nước tiên tiến trên thế giới rất quan tâm"
- Ngày 15 tháng 12 năm 1983, toàn thể cán bộ Viện vui mừng được đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm. Đại tướng căn dặn: "Chúc toàn thể các đồng chí bác sỹ, y sỹ, y tá và công nhân, nhân viên Viện Điều dưỡng Suối khoáng Mỹ Lâm nêu cao tinh thần làm chủ, hết lòng phục vụ sức khoẻ của cán bộ và đồng bào các dân tộc. Tiếp tục xác định thành phần của nước khoáng để thấy cho hết tính năng và tác dụng đối với sức khoẻ của con người"...
- Năm 1984 Viện Điều dưỡng Suối khoáng Mỹ Lâm sát nhập với Bệnh viện Điều dưỡng Tuyên Quang thành Bệnh viện Điều dưỡng Suối khoáng Mỹ Lâm với qui mô 100 giường, với 54 cán bộ. Bệnh viện gồm 2 khoa và 2 phòng:
+ Phòng Y vụ: do Y sỹ Đỗ Thúy Lụa làm phó phòng. Đến năm 1987 do bác sỹ Dương Văn Tài làm trưởng phòng.
+ Phòng Tổ chức- Hành chính: do Y sỹ Lí Văn Tương làm Trưởng phòng, Y tá Lê Văn Cốm làm Phó phòng. Đến năm 1987 do ông Hoàng Văn Lai làm Trưởng phòng (đến năm 1993 về nghỉ chế độ), ông Lê Ngọc Ái làm Phó phòng.
+ Khoa Lâm sàng A: do bác sỹ Lưu Tê làm trưởng khoa, bác sỹ Dương Văn Tài làm Phó khoa.
+ Khoa Lâm sàng B: do bác sỹ Nguyễn Hữu Quí làm trưởng khoa, bác sỹ Phạm Thị Hoan làm Phó khoa.
Trong năm 1985 Bệnh viện đã xây dựng xong Nhà điều trị 5 gian, nhà đắp bùn khoáng và đưa vào sử dụng.
- Ngày 09 tháng 11 năm 1986, đồng chí Vũ Mão - Bí thư trung ương Đoàn Thanh niên công sản Hồ Chí Minh đến thăm và làm việc với Bệnh viện. Đồng chí phát biểu: " …Phương pháp chữa bệnh này có nhiều triển vọng, vì vậy tôi mong muốn được sự quan tâm xây dựng và tạo điều kiện để các đồng chí phục vụ tốt."
b) Giai đoạn 1988 đến 1990.
Do bác sỹ Nguyễn Đình Thi làm Giám đốc Viện, bác sỹ Dương Văn Tài làm Phó giám đốc.
- Năm 1989 thành lập Phòng khám đa khoa khu vực trực thuộc Bệnh viện do bác sỹ Vũ Thế Cường làm trưởng phòng.
- Năm 1990:
+ PKĐKKV sát nhập với khoa Lâm sàng B thành Khoa B do bác sỹ Vũ Thế Cường làm trưởng khoa.
+ Khoa Lâm sàng A đổi thành Khoa A do Y sỹ Cao Thị Chung làm Phó trưởng khoa.
c) Giai đoạn 4/1990 đến 6/1994.
Do bác sỹ Mông Trí Thức làm Giám đốc, bác sỹ Dương Văn Tài làm Phó Giám đốc.
Cơ cấu tổ chức Bệnh viện vẫn giữ nguyên, nhưng qui mô Bệnh viện từ 100 giường giảm xuống còn 60 giường.
Tháng 4 năm 1994 bác sỹ Mông Trí Thức chuyển công tác. Bác sỹ Dương Văn Tài, Phó giám đốc, phụ trách bệnh viện.
d) Giai đoạn 7/1994 đến 3/2005.
Do bác sỹ Bùi Đức Thịnh làm Giám đốc, bác sỹ Dương Văn Tài, Bác sỹ Trần Ngọc Thành (2000-2003) làm Phó Giám đốc. Cơ cấu tổ chức Bệnh viện vẫn giữ nguyên
Về công tác chuyên môn: Trong thời gian này nhiều máy móc, trang thiết bị đã được Bệnh viện bổ sung nâng cấp như máy điện xung, điện phân, Laser nội mạch, xét nghiệm, X quang, siêu âm….
Tháng 5 năm 1998 ngoài việc khám chữa bệnh, Bệnh viện còn được Uỷ ban nhân dân tỉnh giao cho quản lí và tổ chức cho khách tắm tại khu tắm dịch vụ từ công ty Du lịch của tỉnh.
Năm 2000 qui mô giường bệnh từ 60 giường được nâng lên 70 giường.
Trong thời gian 2000-2003 cở sở hạ tầng của Bệnh viện được nâng lên rõ rệt: xây dựng khu nhà hai tầng khép kín để làm việc và chăm sóc người bệnh thuộc diện khu bảo vệ sức khoẻ, Nâng cấp nhà ăn của người bệnh khang trang tiện nghi đầy đủ…các khoa, phòng được trang bị đầy đủ máy vi tính, máy in, Bệnh viện đã sử dụng phần mềm trong công tác thanh toán viện phí.
Tháng 02 năm 2002 Khu nhà tắm dịch vụ được Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định bào giao từ Bệnh viện sang Ngân hàng Đầu tư quản lí và khai thác.
e) Giai đoạn 4/2005 đến 8/2007.
Bác sỹ Dương Văn Tài làm Phó Giám đốc, không có Giám đốc.
Qui mô Bệnh viện 70 giường bệnh với 45 cán bộ (8 bác sỹ trong đó có 3 BS chuyên khoa I)
- Cơ cấu tổ chức Bệnh viện: Ngày 18 tháng 7 năm 2006 Giám đốc Sở Y tế Mai Ngọc Châu có Quyết định số 897/QĐ-SYT thành lập 05 khoa và 2 phòng gồm:
+ Khoa Khám bệnh cấp cứu: qui mô 15 giường, 9 cán bộ (03 bác sỹ, 05 điều dưỡng, 01 hộ lí) do Bác sỹ chuyên khoa I nội khoa Nguyễn Thị Anh làm trưởng khoa, Bác sỹ Phạm Thị Kim Dung là phó trưởng khoa, bà Trần Thị Dưỡng làm điều dưỡng trưởng khoa;
+ Khoa Xương khớp-Thần kinh-Phục hồi chức năng: qui mô 20 giường, 10 cán bộ (02 bác sỹ, 05 điều dưỡng, 2 Kỹ thuật viện vật lí trị liệu và 01 hộ lí) do Bác sỹ chuyên khoa I nội khoa Vũ Thế Cường làm trưởng khoa, Bác sỹ Nguyễn Bảo Đông là Phó trưởng khoa, bà Ma Thị Dung làm điều dưỡng trưởng khoa;
+ Khoa Da liễu: qui mô 20 giường, 05 cán bộ (01 bác sỹ, 03 Y tá và 01 hộ lí) do Bác sỹ Nguyễn Văn Trường làm trưởng khoa, bà Cao Thị Chung làm Y tá trưởng khoa;
+ Khoa Y học dân tộc: qui mô 15 giường, 05 cán bộ (01 bác sỹ, 03 điều dưỡng, 01 nữ hộ sinh) do Bác sỹ Nguyễn Thị Dung làm trưởng khoa;
+ Khoa Dược-Cận lâm sàng: gồm 07 cán bộ (02 dược sỹ trung cấp, 02 KTV Xquang, 02 KTV xét nghiệm, 01 NHS trung học) do ông Cao Xuân Hữu, dược sỹ trung cấp làm Phó trưởng khoa.
+ Phòng Kế hoạch- Nghiệp vụ: do Bác sỹ chuyên khoa I Nguyễn Thị Anh làm Trưởng phòng.
+ Phòng Tổ chức- Hành chính: do ông Lê Ngọc Ái làm Phó phòng (không có trưởng phòng).
- Ngày 23 tháng 9 năm 2006 Chủ tịch UBND tỉnh có Quyết định số 355/QĐ-UBND xếp Bệnh viện Điều dưỡng Suối khoáng Mỹ Lâm thuộc Bệnh viện hạng III.
g) Giai đoạn 9/2007 đến nay.
Bác sỹ Nguyễn Quế Lâm được bổ nhiệm Giám đốc Bệnh viện, Bác sỹ Dương Văn Tài và bác sỹ Nguyễn Bảo Đông là Phó Giám đốc.
Qui mô Bệnh viện 70 giường bệnh với 50 biên chế (9 bác sỹ trong đó có 6 BS chuyên khoa I)
- Năm 2009, qui mô Bệnh viện được nâng lên 80 giường bệnh; 57 biên chế.
- Năm 2012, qui mô Bệnh viện được nâng lên 100 giường bệnh, thực kê là 143 giường; 64 biên chế. Bác sỹ Vũ Thế Cường được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Bệnh viện thay Bác sỹ Dương Văn Tài về nghỉ chế độ từ tháng 6 năm 2011..
- Năm 2016 UBND tỉnh có Quyết định số 96/QĐ-UBND ngày 18 tháng 3 năm 2016 nâng hạng Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm lên Bệnh viện hạng II. Quy mô Bệnh viện 100 giường bệnh, sau tăng lên 130 giường, số giường thực kê 160.
- Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, ngày 10/01/2019 Bệnh viện di chuyển sang trụ sở Ban Quản lí khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm để hoạt động tạm thời phục vụ người dân đến khám chữa bệnh. Do diện tích, công năng trụ sở Ban quản lí không phù hợp nên qui mô Bệnh viện giảm xuống còn 70 giường bệnh và hạng bệnh viện từ hạng II xuống hạng III.
- Ngày 29 tháng 4 năm 2020 Hội đồng nhân dân tỉnh Tuyên Quang có Nghị quyết số 13/NQ-HĐND Quyết định chủ trương đầu tư Dự án xây dựng Bệnh viện Suối khoáng Mỹ Lâm thành phố tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang. Ngày 22 tháng 12 năm 2022 Sở Y tế là chủ đầu tư có thông báo khởi công xây dựng Bệnh viện.
- Năm 2024 Qui mô Bệnh viện tăng lên 100 giường kế hoạch và 150 giường thực kê theo Quyết định số 500/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2023 của UBND tỉnh về Giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 và Quyết định số 02/QĐ-SYT ngày 02 tháng 01 năm 2024 của Sở Y tế Về việc giao chỉ tiêu kế hoạch sự nghiệp Y tế năm 2024.